Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018


MUỐI VÀ SỨC KHỎE


Lượng muối bình quân cần thiết cho cơ thể giao động từ 4 – 10g muốiNaCl/ngày, trong đó, thành phần muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm khoảng 3%, số còn lại được bổ sung trong quá trình chế biến thực phẩm.

1.Vai trò của muối đối với sức khỏe

Natri và Clo, thành phần chủ yếu của muối là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.

Nồng độ muối cũng như nhiều nguyên tố hóa học khác được giữ ở mức tương đối cân bằng nhờ vào hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tiết niệu và tiêu hóa.

Ngoài ra, muối iốt còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ, thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh, giúp trẻ phát triển trí tuệ đầy đủ.

2.Hậu quả của thiếu muối

Nếu bị thiếu muối ít, cơ thể sẽ tự thích ứng bằng cách làm giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi. Cơ thể cũng sẽ có cảm giác thèm ăn mặn hơn nên sẽ sớm có được lượng muối cần thiết trong cơ thể.

Thiếu muối nặng thì có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê và tử vong. Thiếu muối nặng thường gặp ở những người ra quá nhiều mồ hôi hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối hợp lý.

Công nhân luyện gang thép, làm đường; nông dân trong thời kỳ đồng áng, vận động viên, bộ đội trong thời gian luyện tập là những người có nhiều nguy cơ thiếu muối nặng… cần bổ sung cả đường và muối bằng cách nước uống. Trẻ nhỏ bị tiêu chảy cần được uống oresol hoặc bù nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch theo chỉ định của thầy thuốc.

3.Nhu cầu và thói quen ăn mặn

Trung bình mỗi ngày cơ thể chúng ta cần từ 2- 3 lít nước để bổ sung lượng nước bị hụt thông qua các hoạt động. Nếu tính tổng thể, cơ thể người trung bình sẽ chứa từ 7- 8 lít (nước và máu). Khối lượng này đảm bảo cho hệ tuần hoàn, bài tiết hoạt động bình thường đúng chức năng của chúng.

Lượng muối bình quân cần thiết cho cơ thể giao động từ 4 – 10g muối NaCl/ ngày, trong đó, thành phần muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm khoảng 3%, số còn lại được bổ sung trong quá trình chế biến thực phẩm.

Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp.

Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương…

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

4.Ăn nhạt cũng phải đúng cách

Theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi ngày chúng ta chỉ nên sử dụng 3 – 6g muối. Trong đó, phải tính muối trong nước chấm, nước mắm nêm trong đồ ăn và thực phẩm đã chứa muối sẵn.

Chứ không phải sử dụng đồ luộc nhưng lại chấm thật nhiều nước mắm, nước tương… Người tăng huyết áp nên ăn khoảng 2g muối/ngày tùy theo huyết áp đo được và tình trạng tim mạch. Nếu gia đình bạn đã có cha, mẹ, ông, bà bị tăng huyết áp thì tốt nhất cả nhà nên tập thói quen ăn nhạt.

5.Nên ăn muối gì?

Muối biển nguyên chất là lựa chọn thông minh bởi còn chứa một hàm lượng magiê, kali, lưu huỳnh, canxi và iode.

Một chế độ ăn vừa phải muối mỗi ngày là tối ưu để phòng tăng huyết áp do ăn mặn. Cũng nên tùy công việc cụ thể: làm việc đổ mồ hôi nhiều vẫn nên bổ sung muối. Còn nếu đã có bệnh tim mạch, suy thận hay suy gan thì nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

6.Mẹo giảm thói quen ăn mặn

Nếu đã lỡ có thói quen ăn mặn thì việc lập tức từ bỏ chúng quả là một vấn đề nan giải, vị giác của bạn sẽ không chấp nhận việc ăn nhạt trừ khi bác sĩ bắt buộc bạn phải tuân thủ theo một chế độ ăn nhất định.
Hãy cố gắng tập thói quen nêm nếm vừa ăn hoặc hơi nhạt. Vì nếu bạn phát hiện mình đã “quá tay” trong nêm nếm, thì thật sự lượng muối trong món ăn đã rất nhiều. Kiên quyết với việc tra thêm mắm, muối cho các món ăn.
Từng bước giảm dần thói quen ăn mặn trong bữa cơm cho mình và các thành viên trong gia đình.
Cố gắng tập cho trẻ nhỏ đừng sử dụng nhiều nước chấm trong bữa ăn, hạn chế để muối tiêu, muối ớt… trên bàn ăn.
Nên nếm trước hoặc nhờ người thân nếm thử khi nấu ăn để ngừa việc vị giác của mình sai lệch. Đôi khi vị giác bị đánh lừa vì tình trạng sức khỏe trong ngày.
Hạn chế các món ăn rán/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt…) trong bữa ăn hàng ngày thay vì nước chấm mặn nguyên chất.

                                                                                   (Nguồn: suckhoetoandan.vn)

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

10 Điều cần biết về bệnh tăng huyết áp


Tăng huyết áp là một mối đe dọa sức khoẻ thường gặp nhất trên thế giới cũng như tại Việt nam, Tuy nhiên, ngoài việc biết rằng đó là một căn bệnh, chúng ta thực sự cần biết những gì về tăng huyết áp. điều gì làm hầu hết mọi người thực sự biết về nó? Dưới đây là 10 điều cần biết về tăng huyết áp.
  1. Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý rất phổ biến. Khi bạn ở độ tuổi 55 đến 65, bạn sẽ có khoảng 40% nguy cơ bị tăng huyết áp. Và ngay cả khi bạn không bị tăng huyết áp khi bạn từ 55 đến 65 tuổi, bạn sẽ có 90% nguy cơ mắc tăng huyết áp trong vòng 20 năm tới. Bạn cần tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp của bản thân để dự phòng.
  2. Tăng huyết áp được biết đến như là kẻ sát nhân thầm lặng. Trong hầu hết các trường hợp, tăng huyết áp không có triệu chứng, và gần 20% những người bị tăng huyết áp thậm chí không biết là họ mắc bệnh! Mặc dù bạn có thể không cảm thấy các triệu chứng, căn bệnh này có thể âm thầm gây ra những vấn đề nghiêm trọng bên trong cơ thể bạn.
  3.  Bạn nên biết mục tiêu huyết áp của bạn. Đối với hầu hết mọi người, huyết áp bình thường là dưới 130/80 mmHg. 
  4.  Bạn không nên để huyết áp tăng mà không điều trị. Nếu bạn không điều trị hoặc không kiểm soát được huyết áp, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quị, nhồi máu cơ tim, các bệnh mạch máu và suy tim. Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim và tử vong gần gấp đôi đối với mỗi 20 mmHg (mm thủy ngân) tăng huyết áp tâm thu (số đo huyết áp đầu trong đo huyết áp của bạn) và mỗi 10 mmHg tăng huyết áp tâm trương (số đáy của đo huyết áp của bạn). 
  5. Có một số nguy cơ cao về huyết áp mà bạn không thể thay đổi. VD: Tiền sử tăng huyết áp có tính chất gia đình - Nếu có, bạn cũng có nguy cơ cao hơn. Bạn nên biết tiền sử bệnh tật gia đình của bạn để có thể kiểm tra huyết áp thường xuyên.
  6. Nhưng có một số nguy cơ cao về huyết áp bạn có thể kiểm soát và thay đổi được. Bạn có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp bằng cách thực hiện các biện pháp để cải thiện thói quen cuộc sống của bạn. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có hàm lượng natri thấp, tập thể dục đều đặn, hạn chế lượng rượu và caffeine. Giảm cân nếu bạn đang thừa cân. Và nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
  7. Muối là một thành phần nhỏ trong thức ăn nhưng nó mang nguy cơ tăng huyết áp lớn. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 30% tăng huyết áp là do ăn quá nhiều muối! Một việc đơn giản như việc giảm lượng muối ăn vào có thể giúp giảm huyết áp.
  8. Việc sử dụng thuốc của bạn có thể khiến bạn bị nguy cơ tăng huyết áp . Bạn có biết rằng một số loại thuốc bán tự do thông thường có thể làm tăng huyết áp của bạn không? Một số trường hợp sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen và thuốc điều trị có chứa pseudoephedrine có thể gây tăng huyết áp. Nếu bạn đã bị tăng huyết áp, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào.
  9. Bạn có thể cần phải uống nhiều hơn một loại thuốc trị bệnh huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng nhiều loại thuốc điều trị với liều thấp hơn có thể giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn và ít gây tác dụng phụ hơn so với việc dùng liều cao của đơn thuần một loại thuốc hạ áp. Điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ phải uống nhiều loại thuốc khác nhau, hiện nay có những sản phẩm chứa 2 hoặc ba loại thuốc hạ áp trong cùng 1 viên thuốc, khiến bạn dễ dàng sử dụng.
  10. Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả hay không tùy thuộc vào bạn. Để thuốc của bạn có tác dụng thực sự tốt, bạn phải uống thường xuyên. Rất nhiều người tỏ ra chủ quan với việc này, đặc biệt khi huyết áp tăng thường không gây triệu chứng. Bạn có thể cảm thấy tốt và đơn giản là quên uống thuốc của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó nhớ khi uống thuốc hoặc nếu bạn không muốn uống thuốc - ví dụ: nếu bạn gặp các phản ứng phụ - hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Hãy luôn nhớ rằng, việc sử dụng thuốc thường xuyên, đúng theo chỉ định của bác sĩ là vì sức khoẻ của chính bản thân bạn. 
                                              (Nguồn: Tăng HA - sống khỏe từ ngày đầu tiên)

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Hỏi - đáp về đo huyết áp


Tăng huyết áp hay được gọi là Kẻ giết người thầm lặng vì đây là bệnh mãn tính rất nguy hiểm, nhưng thường không biểu hiện triệu chứng và đang ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sớm chẩn đoán, điều trị bệnh tăng huyết áp nhờ thói quen thường xuyên kiểm tra huyết áp với bác sĩ, tại cơ sở y tế gần nhất hay thậm chí là ngay tại nhà.
Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp khi tiến hành đo huyết áp cho bản thân hoặc thành viên trong gia đình bạn.
Tại sao huyết áp của tôi lúc cao, lúc thấp? Như vậy có nguy hiểm không?
Huyết áp dao động trong ngày là hiện tượng hết sức bình thường. Về lý thuyết, huyết áp của bạn sẽ tăng vào ban ngày, hoặc sau khi vận động mạnh, và giảm nhẹ vào ban đêm trong lúc ngủ. Sở dĩ như vậy là do tim và huyết áp của bạn đang phản hồi lại những thay đổi mang tínhvsinh học theo chu kỳ 24 giờ. Hiện tượng này chỉ trở nên nguy hiểm khi sự dao động huyết áp lớn (chênh lệch tối thiểu 20 mmHg ở huyết áp tâm trương hoặc huyết áp tâm thu), xảy ra không theo chu kỳ (ví dụ tăng vào ban đêm hoặc đột ngột tăng mạnh lúc sáng sớm). Đó là lý do vì sao bạn nên thường xuyên đo huyết áp, nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để sớm phát hiện dấu hiệu tăng huyết áp, có sự can thiệp phù hợp và kịp thời.
Tôi nên đo huyết áp vào lúc nào?
Đây là thắc mắc cực kỳ phổ biến, nhất là với người tiến hành đo huyết áp tại nhà. Trên thực tế, không hề có mốc thời gian cố định cho việc đo huyết áp. Tuy nhiên do huyết áp dao động trong ngày, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn đo ít nhất hai lần mỗi ngày (thường là vào buổi sáng và buổi tối). Khi đã chọn ra mốc thời gian, bạn nên giữ nguyên thói quen đo huyết áp đúng giờ để có cơ sở so sánh, theo dõi và hỗ trợ chẩn đoán tăng huyết áp. Tùy vào tình trạng sức khỏe, thói quen sinh hoạt của mỗi người, sẽ có vài yếu tố nhất định ảnh hưởng đến thời điểm đo huyết áp của bạn.

Vậy những yếu tố đó là gì?
Mặc dù có thể tự ý chọn thời điểm đo huyết áp, bạn nên lưu ý những chỉ định sau để tránh ảnh hưởng đến kết quả đo thực tế:
  • Không đo huyết áp vào buổi sáng sớm, ngay sau khi thức dậy vì đây là thời điểm huyết áp của bạn sẽ tăng cao theo chu kỳ sinh học của cơ thể.
  • Không hút thuốc, uống rượu bia, uống cà phê, tập thể dục thể thao ngay trước khi đo huyết áp vì sẽ làm sai lệch kết quả.
  • Chỉ đo huyết áp khi tinh thần thực sự thoải mãi, thư giãn. Bực bội, căng thẳng, áp lực tinh thần đều khiến huyết áp của bạn tăng lên.
  • Nhiều loại thuốc điều trị có tác dụng tức thời đến huyết áp. Chính vì vậy bạn nên luôn luôn đo huyết áp trước khi uống thuốc.
  • Đo huyết áp trước bữa ăn. Khi ăn no, quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng sẽ khiến huyết áp của bạn không ổn định.

Thế nào là tư thế đo huyết áp đúng nhất?

Ít người biết rằng tư thế đo huyết áp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ chính xác. Bạn có thể đo huyết áp ở tay trái hoặc tay phải, nhưng cần chọn chỗ yên tĩnh, ngồi thư giãn 3-5 phút trước khi đo. Vòng bít cần được quấn trực tiếp trên bắp tay, thế nên bạn phải cởi áo khoác ngoài hoặc chọn trang phục rộng rãi, thoải mái. Trong lúc đo huyết áp, chú ý ngồi thẳng lưng, đặt tay trên bàn sao cho vòng bít ở ngang tim và không cười nói, đùa giỡn. Bạn không được ngồi vắt chân, khom người về phía trước vì như vậy sẽ khiến số đo huyết áp bị sai lệch.
(Nguồn: Ngày đầu tiên - Tăng HA)

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Huyết áp thấp: Khi nào nguy hiểm



Có một số người không nhỏ thường xuyên bị huyết áp thấp. Đó là không kể những bệnh nhân bị hạ huyết áp đột ngột phải vào cấp cứu. Vậy hạ huyết áp có nguy hiểm hay không?
Triệu chứng huyết áp thấp
Nhiều người bị huyết áp thấp thường có triệu chứng choáng váng, chóng mặt, mặt xanh khó chịu bứt rứt trong người.
Thường các triệu chứng này hay đi kèm với các triệu chứng của các bệnh nền gây tụt huyết áp như: tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, lạnh run hay các bệnh mạn tính khác như viêm phế quản mạnxơ gansuy tim, ung thư, đái tháo đường
Các triệu chứng này có khi khá rầm rộ trong những trường hợp huyết áp thấp cấp tính làm bệnh nhân rất mệt mỏi và phải nhập viện ngay. Nhưng cũng có khi rất khiêm tốn chỉ hoa mắt chóng mặt thoáng qua, hay chỉ hơi khó chịu trong cơ thể một chút đối với những người huyết áp thấp mạn tính.
Việc phát hiện các triệu chứng như trên không khó, bệnh nhân sẽ là người nói cho thầy thuốc biết tất cả những triệu chứng này. Dù thế nào đi chăng nữa việc chẩn đoán xác định chắc chắn có phải huyết áp thấp hay không phải do người thầy thuốc tiến hành bằng cách đo huyết áp ở tư thế nằm và khám nhằm phát hiện ra các triệu chứng đi kèm. Việc khám bệnh kỹ càng, đo huyết áp đúng phương pháp, hỏi bệnh nhân sẽ giúp cho thầy thuốc có chiến lược điều trị có hiệu quả.
Cần phải lưu ý kỹ vì có rất nhiều triệu chứng giống như vậy nhưng bệnh nhân lại bị cao huyết áp, nên vai trò của việc đo huyết là rất quan trọng.
Nguyên nhân nào?
Nguyên nhân gây huyết áp thấp thì khá nhiều, nhưng cũng có khi chẳng có nguyên nhân nào cả. Thường những người huyết áp thấp có thể trạng gầy, xanh xao một chút. Phần nhiều là những cô gái trẻ có type thần kinh nghệ sĩ nhạy cảm với các cảm xúc âm tính của cuộc sống.
Các nguyên nhân gây huyết áp thấp có thể là một bệnh cấp tính gây mất dịch trong cơ thể như tiêu chảy nhiều, ói mửa nhiều, say rượu… Nhưng có một số người hay bị hạ huyết áp tư thế. Họ bị hoa mắt chóng mặt khi đang nằm mà ngồi dậy, hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tình trạng này hay xảy ra vào buổi sáng sớm và không có nguyên nhân nào rõ rệt. Bệnh nhân chỉ cảm thấy hoa mắt chóng mặt, tim đập nhanh và vã mồ hôi. Các triệu chứng này chỉ kéo dài vài phút rồi hết và thực ra nó không hề gây tử vong cho bệnh nhân nhưng gây khó chịu cho người bệnh và làm giảm đi chất lượng của cuộc sống.
Trong những trường hợp này, người bệnh nếu không được khám kỹ và tư vấn tốt thường rất hoang mang. Họ có thể đi khám rất nhiều thầy thuốc, nhiều khi cũng không chẩn đoán được vì khi đến khám bệnh huyết áp của họ hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy ho nghi ngờ tất cả, nghi ngờ cả thầy thuốc và hệ thống y tế.
Vậy thế nào là huyết áp bình thường?
Huyết áp chính là áp lực của dòng máu trong hệ thống động mạch. Chính nhờ sự chuyển động của dòng máu này mà các tế bào của cơ thể nhận được oxy và các chất dinh dưỡng để duy trì họat động của sự sống. Huyết áp được duy trì nhờ áp lực co bóp của cơ tim còn gọi là cung lượng tim, thể tích máu trong cơ thể và độ co giãn của thành động mạch. Khi một trong các yếu tố trên bị rối loạn, bệnh nhân có thể bị cao huyết áp hay hạ huyết áp
Huyết áp trung bình của mỗi người dao động trong khoảng từ 110 - 120mmHg đối với huyết áp tối đa và từ 70 - 80mmHg với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, bệnh nhân rơi vài tình trạng hạ huyết áp. Có hai tình trạng hạ huyết: hạ huyết áp cấp hay xảy ra với những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước, suy tim hay bị bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu và tùy theo nguyên nhân gây hạ huyết áp mà thầy thuốc cho chỉ định điều trị phù hợp: truyền dịch, truyền máu, thuốc vận mạch hay thuốc trợ tim…
Hạ huyết áp mạn tính: ở những người này huyết áp thường xuyên thấp hơn 100mmHg đối với huyết áp tối đa. Bệnh nhân có thể có hoặc không có bất kỳ một sự khó chịu nào. Rất nhiều người chỉ phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay được đo huyết áp khi đi khám một bệnh nào khác không liên quan đến tim mạch.
Hạ huyết áp: nguy hiểm?
Bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp cấp thì rất nguy hiểm và cần được nhập bệnh viện để điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt. Truyền dịch và máu cũng như các dung dịch thay thế máu là phương pháp điều trị đầu tiên được áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân.
Còn tình trạng hạ huyết áp mạn tính thì hầu như không có gì là quá nguy hiểm cả. Thậm chí có ngưới còn cho rằng: những người bị huyết áp thấp còn sống thọ hơn những người có huyết áp bình thường. Và thực tế trong thực hành bệnh viện hàng ngày, chúng tôi cũng như nhiều thầy thuốc khác cũng có chung một nhận định như vậy.
Những người thực sự bị huyết áp thấp mạn tính thường phàn nàn với mọi người và với thầy thuốc là hay buồn ngủ, mỏi mệt, chóng mặt, hoa mắt hoặc thỉnh thoảng bị ngất xỉu. Đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng này xuất hiện do giảm lưu lượng máu ở não, tim, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tình trạng hạ huyết áp mạn tính hay xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, đái tháo đường hay bị bệnh thần kinh ngoại vi… Do đó, nếu tình trạng hạ huyết áp mạn tính kéo dài và gây nhiều khó chịu, thậm chí phải nhập bệnh viện cấp cứu thì nên đi khám ở những thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và nội tiết để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị triệt để.
Phòng ngừa hạ huyết áp
Quan trọng nhất là đừng để mắc các bệnh cấp tính làm mất dịch nhiều như tiêu chảy, nôn ói. Không uống quá nhiều rượu, có chế độ ăn hợp lý chứ đừng ăn kiêng thái quá, nhất là ở một số trường hợp nhịn ăn uống để giảm cân nặng ở một số phụ nữ trẻ Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột nhất là buổi sáng khi mới thức dậy. Hạn chế uống rượu bia và việc sử dụng các chất kích thích khác gây tổn hại cho hệ thần kinh.
Tránh stress, cân bằng về tâm lý, với một số người bị huyết áp thấp vô căn có thể tập dưỡng sinh, Yoga đúng cách rất có lợi cho sức khỏe và hệ tuần hoàn. Có một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi. Không để đói bụng quá, ngủ đủ và tập thể dục thường xuyên. Chữa trị tốt những bệnh mạn tính mà mình đã mắc phải như đái tháo đường, suy gan, viêm phế quản mạn tính… Nên khám sức khỏe định kỳ với những người trên 40 tuổi với 2 lần trong năm để điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể có thể dẫn đến huyết áp thấp bất ngờ.
Chế độ ăn cũng quan trọng
Nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng và giàu vitamin cũng như các yếu tố vi lượng như: vitamin A, kẽm, magne… Có người cho rằng, bệnh nhân nên ăn mặn một chút để làm tăng khối lượng tuần hoàn trong cơ thể nhờ tác dụng giữ nước của muối. Tuy nhiên, cũng rất nguy hiểm vì sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.
Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ huyết áp ở một số người.
Và một điều rất quan trọng mà nhiều người trong chúng ta không mấy quan tâm, đó là nên đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những trục trặc về sức khỏe để có hướng điều chỉnh ngay từ lúc đầu. Đây là khuynh hướng mới nhằm phòng bệnh tật trong một xã hội hiện đại.

PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
(Nguồn SK và ĐS)